Năm 2024 - 11 bài học từ 11 chuyến bay đổi đời

11 là số chuyến bay của mình trong 4 tháng ở Canada. Đó là con số có thể khiêm tốn đối với nhiều người, nhưng lại khá lớn với một cô bé 20 năm chưa từng một mình bước khỏi Việt Nam lần nào.

Trong 11 chuyến bay đó, 6 chuyến khứ hồi từ Canada sang Việt Nam, 3 chuyến cho kỳ nghỉ Thu đến Banff và Vancouver, và 2 chuyến cho 2 tuần Giáng sinh ở Vancouver. 

Những chuyến bay đó đã dạy mình những gì?

1. Solo travel không quá đáng sợ như mình nghĩ

Bạn bè khi biết tin mình đi đến tỉnh khác một mình đều lo sốt vó, còn gia đình thì thôi rồi nhé:)) Nhưng mà mình vẫn liều, quyết chơi lớn một phen. May mắn là cuối cùng thì chuyện cũng đâu vào đấy. 

Mình không hề hối hận, vì chính nhờ sự liều đó mà mình đã có những lần đầu tiên siêu đáng nhớ. 

Lần đầu ngủ ở mixed-gender hostel, lần đầu đi trail gần 9km, 500m elevation gain, lần đầu tự tìm đặt vé đi hồ Louise, Morain, lần đầu mạnh dạn bắt chuyện với các chị người Mỹ siêu dễ thương ở đất Can, lần đầu ngỏ ý chụp hình cho mọi người khi leo núi, vv...

Vì thế nên mình tin là, miễn bản thân toàn tâm toàn ý mong muốn, thì vũ trụ sẽ cho mình một hướng đi và chở che mình đến nơi an toàn mà thôi. "When there's a will, there's a way"

2. Mình không thể sống thiếu thiên nhiên

Tại sao mình nói như vậy?

Sau những chuỗi ngày một mình sải bước trong cánh rừng nguyên sinh Lynn Canyon Park, hì hục leo Tunnel Mountain, Big Beehive cao nghìn mét, hay chạm tay xuống dòng nước mát lạnh ở hạ nguồn Bow River, mình nhận ra năng lượng từ thiên nhiên bằng cách nào đó đã xoa diệu hết những tổn thương của mình trong quá khứ. 

Cỏ cây ôm lấy mình, dòng suối cuộn tròn quanh mình, cơn gió lạnh vuốt ve mái tóc mình. Đó là lúc mình hoàn toàn thả lỏng, tâm trí buông đi những vướng bận ngày thường, và mình như hoà vào làm một với trời đất.

Đứng giữa khoảng không rộng lớn, phóng mắt nhìn ra xa khiến mình cảm thấy nhỏ bé vô cùng. Và chính sự nhỏ bé đã khiến mình gan lì hơn, không còn sợ hãi nữa. Có quá nhiều thứ đang đợi mình ngoài kia, vậy cứ khư khư nép mình trong vùng an toàn thì chẳng phải phí hoài tuổi trẻ sao?

Kể cả ở Banff hay ở Vancouver, khi leo núi mình đều tìm những lối mòn vắng người lui tới. Những lối mòn đó tuy có phần hơi nguy hiểm, nhưng luôn chứa đựng những "hidden gem" khiến mình ngỡ ngàng bật ngửa. 

Đây là một góc của con thác ở Lynn Canyon. Để xuống được thác, mình phải leo xuống vách đá hiểm trở, dựng thẳng đứng, và khá ẩm thấp, trơn trượt. Bên dưới thác thì không có sóng điện thoại. Chỉ cần sẩy chân rơi xuống, là có thể chẳng ai có thể tìm được mình ở đâu luôn:))

3. Có thể tìm được vé giá rẻ hơn cả đi bằng ô tô, nhưng sẽ không thoải mái và khá may rủi

Mình đặt vé máy bay cho 5 chuyến cuối siêu siêu rẻ, nhưng đổi lại mình không được mang hành lý xách tay hay ký gửi, mà chỉ được 1 chiếc túi vật dụng cá nhân nhỏ đặt dưới gầm ghế. Balo mình hơi bự do nhét nhiều đồ, nên lúc nào cũng rén lắm sợ người ta chặn lại:)) 

Bên cạnh đó, mình sẽ được sắp xếp ngồi ở ghế cuối khoang máy bay, tức là người lên và xuống máy bay cuối cùng. Bù lại giá vé siêu hạt dẻ, một lựa chọn tuyệt vời cho những sinh viên nghèo ham đi backpacking như mình:))

Haha nhìn như bụi đời chợ lớn ấy. Lúc này đi xong 3 ngày ở Banff, chuẩn bị bay sang Vancouver nè

4. Thế giới không quan tâm mình như mình nghĩ

Sẽ dễ dàng nghĩ người khác đang nhìn chằm chằm khi mình cầm tripod quay video. Nhưng không, chả ai quan tâm cạ:)) Lúc quay video thì đúng là mọi người có nhìn, phần nhiều vì tò mò. Nhưng mình cá họ sẽ quên mất nhỏ cầm điện thoại chạy vòng vòng quanh công viên 2 phút trước là ai mà thôi. Ngộ ra được điều này, mình cũng bớt ngượng ngạo hơn (chưa hết hẳn nhưng mà đỡ:)) khi làm điều gì hơi mắc cỡ ở nơi công cộng. 

"Chỉ cần mình không ngại, thì người ngại chắc chắn không phải là mình" - Anle


Ngày hôm đó, một mình với cây tripod, điện thoại và sạc dự phòng, mình lên đường đi thăm thú thiên nhiên ở North Vancouver. Những nơi mình đã đi gồm Horseshoe bay, Lynn Canyon, Deep Cove, Rocky Point. Đó là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất cuộc đời mình!

5. "Cảm ơn" và "Xin lỗi" là câu chào hỏi xã giao, không phải có hàm ý như vậy thật

Mình thích, và cũng không thích lắm nét văn hoá này ở Canada. Đồng ý là nếu "Cảm ơn" và "Xin lỗi" trở thành câu cửa miệng, mọi người giao tiếp với nhau một cách văn minh, lịch sự hơn. 

Nhưng theo mình việc quá lạm dụng đến mức là một nét văn hoá, thì "Cảm ơn" và "Xin lỗi" dường như đã mất đi trọng lượng vốn có của nó. Nó sẽ không còn là những lời nói chân thành, mà sẽ như bản năng để xoa diệu tình hình vốn cần sự nghiêm túc. 

Thú thật có một khoảng thời gian mình cũng theo bản năng mà nói "Sorry" không suy nghĩ, nhưng sau này mình hạn chế lại, và dùng "Excuse me" thay thế trong trường hợp vô tình/ chủ ý muốn chen ngang vào cuộc trò chuyện của người khác. 

Cô giáo dạy Management Communication ở UoR có nói với tụi mình câu này: "Cô biết Sorry là câu cửa miệng của người Canada, nhưng các em phải hạn chế, và chỉ nói trong những trường hợp mình là người có lỗi, đặc biệt trong môi trường kinh doanh. Nếu xin lỗi, người khác sẽ cho rằng bạn có lỗi, vừa làm giảm trọng lượng tiếng nói, vừa có thể sẽ gánh chịu hậu quả."


University of Regina có tổng cộng 3 thư viện (từ trái qua): Archer Library (lớn nhất có 6 tầng), Campion Library (my fav), Luther Library và First Nations University Library (nằm ở toà dành cho người bản địa - indigenous people - nên mình không chụp được)



Còn đây là một góc nhỏ khuôn viên trường tháng 9 - tháng hiếm hoi có nắng:))

6. Sức khoẻ thể chất của mình còn trầm trọng hơn sức khoẻ tinh thần

Có hơi xấu hổ nhưng phải thừa nhận 20 năm cuộc đời mình đã quá thụ động, không thể thao thường xuyên nên cơ thể cứ chầm chậm, lầm lì. Từ khi qua Canada, đi bộ nhiều thì mình khoẻ hơn thấy rõ. Tiêu biểu như mình không cảm thấy mệt mỏi khi đi bộ (vì ngày nào cũng 8k+ bước), leo núi sung hơn (vẫn siêu mệt nha omg), xách balo nặng trịch đi vòng thành phố cả ngày vô tư, vv.

Lúc leo Tunnel Mountain hay Big Beehive mình bắt gặp rất nhiều gia đình, từ người già đến trẻ em, họ leo còn sung, còn nhanh hơn mình:)) Có mấy nhóc tì chạy băng băng trên con đường toàn đá không nữa chớ, từ chối hiểu ạ!

Thế nên về Việt Nam, mình cũng đang tìm cách để giữ phong độ đó. Vì mình yêu vận động, đặc biệt là vận động giữa thiên nhiên. Thực sự khiến mình hạnh phúc kinh khủng🥹🥰

7. Ngẫu hứng có kế hoạch cho mình sự tự do

Mình đã lên lịch trình siêu chi tiết cho chuyến solo travel 2 tháng trước chuyến đi. Lý do vì đây là chuyến solo đầu tiên, vì mình là nữ, và vì tánh mình đó giờ hơi hậu đậu:)))

Lịch trình chi tiết mình đang viết rùi, có gì sẽ chia sẻ sau. 

Chi tiết là vậy nhưng không vì thế mà mình giới hạn bản thân bám chặt theo lịch trình. Chính vì đã lên kế hoạch, đặt lịch và vé xong xuôi hết rồi nên tâm trí mình thoải mái, tự tin ứng phó với những tình huống bất ngờ nếu có. 

Mình tự do "go with the flow", tức là có gì hay hay giữa đường thì mình sẽ ghé xem, có gì hấp dẫn một cách bí ẩn thì mình cũng đi thử. Nhờ ngẫu hứng có kế hoạch mà mình đã khám phá được vô số điểm sáng (hidden gems), làm chuyến đi ấy đáng nhớ hơn 1000 lần. Này nói thiệt!!


Ví dụ như sau khi leo Tunnel Mountain còn dư thời gian thì mình thả bản thân, không theo map, không theo đường chính, mà men theo con đường mòn đi vào sâu trong rừng. Sau 15 phút ngoằn ngoèo, mình đã đến được một nhánh nhỏ của Bow River. Xung quanh vắng bóng người, chỉ có mình với cây cối và dòng suối. Lúc đó chỉ có 2 từ thôi: Vỡ oà!

8. Sức mạnh của sự trao đi

Ở Việt Nam, mình được dặn phải luôn đề phòng trước sự hào phóng. Bởi những món quà mình nhận đều có dụng ý của nó. 

Song 11 chuyến bay đã thay đổi hoàn toàn khái niệm của mình về sự cho đi.

⭐Khi đi bộ trên đường một mình đến Port Moody, mình làm rớt thẻ tàu. Có một chú Canadian lái xe bán tải màu đỏ chạy tới hú mình, chỉ mình chỗ mình làm rơi thẻ. 

⭐Khi mình xem nhầm lịch và mém lỡ chuyến bus đến Morain Lake và Lake Louise, cô lái xe bus đã radio call cho nhân viên ở bến xin chờ mình một chút.

⭐Khi mình được cha Nguyên cho Starbuck giftcard, được cha Yoon chở đi vòng thành phố, dẫn đi ăn ti tỉ thứ, chỉ chơi 7749 boardgame, được bạn Koi Nguyên cho tá túc hơn 2 tuần, dẫn mình đi đủ nơi, giới thiệu mình với những con người siêu dễ thương và tử tế.

Đến hiện tại thì đã hơn 1 tháng trở về Việt Nam, nhưng trái tim mình vẫn luôn đong đầy sự biết ơn. Bạn mình nói hạnh phúc hiện rõ trên mặt mình luôn á😆. 

 

Thật bất ngờ khi thấy một cô bé vốn dĩ rụt rè, ngại giao tiếp, ngại giúp đỡ và nhận sự giúp đỡ từ người lạ nay đã mở lòng đón nhận mọi thứ thật nhẹ nhàng, không còn quá phòng thủ trước mọi thứ nữa. 

Sau chuyến trao đổi, mình được giới thiệu tham gia hướng dẫn gói bánh chưng cho các bạn học sinh trao đổi ở châu Âu đến ftu2. Các bạn siêu dễ thương luôn!

Mình cũng sẵn sàng trao đi một chút giá trị mình đã nhận được khi ở Canada, cụ thể là qua trang blog này nè. Vì mình biết, trao đi mà không toan tính, âm thầm giúp đỡ mà không than vãn giúp mình yêu đời và yêu con người xung quanh mình hơn.

9. Màu da, sắc tộc, tôn giáo là những những vấn đề rất nhạy cảm ở Canada

Từ ngày đầu đặt chân đến trường ở Regina đến lúc đi vòng quanh Vancouver, mình thấy đúng như mọi người nói, Canada là đất nước của dân nhập cư. 

Ngẫu hứng đăng kí tham gia bữa tối ở câu lạc bộ Đạo Công Giáo (Catholic). Có người đã tài trợ một bữa ăn siêu hoành tráng cho tui mình. Xnguyen còn được gặp mấy bạn Phillipines siêu dễ thương nữa, thiệt sự quá dui!!!

Mặc dù đâu đó mình vẫn thấy Canadian, nhưng phần lớn còn lại sẽ là người Ấn Độ, Nigeria, Trung Quốc, và Hàn Quốc. Việc đến sống ở một quốc gia tiên tiến không có gì sai cả, và đó có thể là ước mơ của rất nhiều người. Song, việc có quá nhiều sắc tộc cùng sinh sống trong một đất nước chắc chắn sẽ xảy ra nhiều mâu thuẫn, và mâu thuẫn lớn nhất mà mình thấy được là Phân biệt chủng tộc - Racism.

Trước khi sang Canada, mình từng nghĩ tại sao con người ta lại Phân biệt chủng tộc nhỉ? Chẳng phải mọi người nên được đối xử công bằng với nhau hay sao? À, đó là lúc mình đang ở Việt Nam, nơi mà phần lớn mọi người đều cùng chung máu mủ, cùng lớn lên bằng những lời ru, câu chuyện, và những bữa cơm Việt Nam. 

Bên đây lại khác. Từng khu vực là từng cộng đồng người khác nhau sinh sống. Ví dụ ở tỉnh British Columbia, Coquitlam là người Hàn, Surrey là Ấn Độ, Richmond là Trung Quốc, North Vancouver là Canadian, và Downtown Vancouver là một cultural hub luôn:)) Văn hoá, phong cách sống từng khu vực khác nhau, trong từng khu vực thì thế giới quan của mỗi cá thể lại khác nhau. Thế nên, mình nghĩ những xích mích tuy nhỏ giữa 2 cá nhân đã dần phát triển thành những mâu thuẫn giữa các cộng đồng người.

Bản đồ tỉnh British Columbia

Để mình kể cho mọi người nghe 2 trải nghiệm nho nhỏ, cũng là góc nhìn từ 2 bên nhen. 

Trải nghiệm 1: Trong lớp nhạc, mình và bạn gái người Iran (nhưng da của bạn trắng hơn cả Canadian:)) ngồi sau 2 bạn nam Nigerian (một nước ở châu Phi). Xuyên suốt tiết học thì 2 bạn nam ấy có thái độ không tôn trọng giảng viên, như giơ tay phát biểu hỏi những câu hiển nhiên rồi cười phá lên, hay cứ thấp thỏm đứng ngồi liên tục gây mất trật tự lớp học. Mình và bạn của mình khó chịu vô cùng, nên bạn mình mới nói rằng 2 bạn nên nghiêm túc học và đừng cư xử như con nít nữa. Thế là 2 bạn nam quay lại lườm quýt, chửi rủa và nói bạn ấy là "Racist". 

Lớp nhạc. Mọi người thấy quá trời màu tóc hong:)

Đấy, một sự việc tuy nhỏ - là nhắc nhở góp ý bạn, nhưng bị thổi phồng và quy chụp là Phân biệt chủng tộc. Chỉ vì bạn mình có nước da trắng còn các bạn kia là người da màu, mà mọi lời góp ý hoặc chê bai đều được cho là xúc phạm và xem thường người da màu, là Racist. 

Mình đồng ý là tình trạng Phân biệt màu da và chủng tộc vẫn còn âm ỉ. 

Trải nghiệm 2: Bằng chứng là bạn gái cùng kí túc xá với mình, người Uganda (cũng là một nước châu Phi), đã bị người khuyết tật phun nước bọt vào mặt khi đang làm công tác xã hội (social work). Tệ hơn là người quản lý Canadian không xem xét mà đổ lỗi ngược lại bạn, nói rằng vấn đề nằm ở chính bạn ấy chứ không phải ở người khuyết tật kia. 

Mình được Samantha, bạn cùng ký túc xá người Uganda, dẫn mình đi lễ. Đây là lần đầu trong đời mình đi lễ luôn á:))

Ngoài 2 trải nghiệm trên thì còn vô số những câu chuyện mình không tiện kể ở đây. Và mình tin chỉ khi trực tiếp trải qua, trực tiếp nghe và thấy thì bạn mới có thể cảm nhận rõ nhất vấn đề này.

💃International night. Gồm ăn tối (đồ Ấn), trình diễn tài năng, trình diễn trang phục truyền thống. Đây là nhóm sinh viên người Việt nè. Mọi người đến ủng hộ cho 2 bạn trình diễn áo dài chính giữa á

10. Người vô gia cư - Walking dead homelessness

Ngày đầu mình thấy "nét đặc trưng" này của Canada là ngày mình quá cảnh ở Vancouver 15 tiếng và được nhỏ bạn dắt từ sân bay về nhà ngủ. 

Xe buýt đó đi qua con phố gọi là East Hastings Street, nổi tiếng là "khu dân cư" của người vô gia cư. Lúc đó trời đã tối rồi nên mình không nhìn rõ, chỉ thấy những bóng lưng gập nửa người, lập loè trước ánh đèn của những cửa hàng đã đóng cửa, phủ kín tranh phun sơn (Graffiti). Nếu bạn mình không nói đó là con người thì chắc mình cũng không biết đâu, này nói thiệt:)))


Ê tưởng là Public Library nên băng qua đường xem thử. Qua đó thấy người vô gia cư ngồi dọc căn nhà nên tui đã lật đật đi ngược lại chờ xe buýt:))

Ở những chuyến đi tiếp theo thì mình có dịp quan sát kỹ hơn, và cũng có dịp trải nghiệm đi bộ trên con phố đó. Cảm nhận là mùi ẩm ướt, mùi khai và mùi cần sa trộn lẫn rất nồng, đường xá 2 bên thì chen chút những căn lều tạm bợ, những chiếc túi ngủ, còn con người thì có người nằm, có người đứng lắc lư, nhưng điểm chung là họ đều không có nhận thức về không gian xung quanh mình.

Hình ảnh điển hình của một người vô gia cư sẽ là áo quần xộc xệch, tóc tai rối xù, ánh mắt đờ đẫn, người gập lại một nửa và kéo chiếc xe đẩy đi chợ (shopping bag trolley cart) bên mình. Họ có thể vật vờ đi trên đường, hoặc có thể ở trong nhà t*i*ê*m mai thuý (mình thấy người ta không giấu diếm mà làm công khai luôn nha)

Xe bus dưới downtown có mùi hôi lắm. Nên nếu có đi thì mọi người lựa những bus không phải trong downtown ấy

Không những ở Vancouver, mà ở những thành phố khác như Calgary hay Regina đều có nhóm người vô gia cư, chỉ là ít hơn mà thôi. Thật sự mà nói, là con gái mà đi một mình đến những nơi như thế này khiến mình sợ thật, nhưng mình vẫn quyết định thử. Phần vì tò mò xem người ở đó họ sống như thế nào, phần vì cũng khá an tâm bởi xung quanh những khu như vậy đều tập trung rất nhiều cảnh sát tuần tra liên tục.

Nói chung là một trải nghiệm đáng nhớ đó haha!

11. Không phải Canadian nào cũng là người tốt

Điều này hiển nhiên ha, ở đâu mà lại chả có người tốt người xấu. Nhưng mình đã từng cho rằng vì được sinh ra và lớn lên ở một quốc gia thuộc thế giới thứ nhất (first-world nation), người dân ở đây sẽ văn minh, tốt bụng, và thân thiện. Công nhận phần lớn họ hiền thiệt, hiền khô luôn á. Nhưng lúc nào cũng sẽ có vài con sâu làm rầu nồi canh nhỉ:)) 

Vào một buổi sáng đẹp trời, mình thức dậy thật sớm để đi xem cảnh bình minh ở Deep Cove, North Vancouver. Ở Deep Cove, thấy mình cầm cây tripod chạy tới lui thì có một chú Canadian tiếp cận, nói mình dễ thương và tò mò nên muốn bắt chuyện. 

Nhìn bề ngoài thì cũng như những ông chú bình thường thôi. Nói thật thì mình khá ấn tượng bởi tính cách hoạt bát, vui vẻ và xởi lởi của chú. Như những cuộc nói chuyện xã giao khác, mình đặt câu hỏi để hiểu hơn về người đối diện, chú cũng vui vẻ trả lời. Mọi thứ diễn ra khá bình thường nên mình cũng không nghĩ nhiều lắm. Đến lúc cuối thì chú ấy xin contact facebook của mình và chào tạm biệt vì có việc bận.

Thế nhưng tối hôm đó, sáng hôm sau và ngày hôm sau nữa thì chú ấy cứ nhắn tin hỏi thăm mình, hỏi mình có đi đâu ở Vancouver nữa không, và cuối cùng thì chốt hạ bằng dòng tin nhắn này:)) Xin lỗi vì chú không có dịp được cho mình xem bất ngờ đó là gì rồi😊 

Mở bài và Kết...
À không chưa kịp viết nốt kết bài:)))

Vậy đó, là nữ thì khả năng trở thành đối tượng của những tệp người như thế này là rất cao. Nên nếu có đi solo travel như mình, thì mấy bồ phải hết sức giữ tỉnh táo, cảnh giác, tránh được gì thì tránh nha. Ví dụ như ở những chỗ vắng thì không đeo tai nghe, ai xin liên lạc thì phải cân nhắc, biết giữ khoảng cách và đừng nuôi cho người ta hy vọng nếu mình không muốn kết bạn với họ,...

Bài đăng phổ biến