[CHUYỆN TRAO ĐỔI] Phần 1 - Chương trình trao đổi thật sự là gì nhỉ?
Chương trình trao đổi sinh viên là gì?
Bạn có thể google định nghĩa trên để hiểu hơn nha. Nhưng mà hiểu nôm na là khi đi trao đổi, bạn sẽ học 1-2 kỳ ở bất kì trường đại học nào trên thế giới là đối tác của trường bạn đang theo học ở Việt Nam. Mỗi năm, trường sẽ có chương trình tiến cử sinh viên của mình sang trường bạn học, và nhận sinh viên từ những trường đó về đây. Mục đích chính là để trao đổi học học thuật và giao lưu văn hoá, gắn kết mối quan hệ các nước với nhau.
Học phí ở trường đối tác đa số là free hết, bạn chỉ trả tiền cho những môn sẽ chuyển điểm về trường mình thôi. Nhưng sinh viên phải tự túc chi trả sinh hoạt phí và các chi phí khác như bảo hiểm, vé máy bay, visa, thuê nhà,... nên tính ra cũng tốn kha khá đấy.
Các bạn học FTU thì có thể cập nhật thông tin chương trình trao đổi trên những trang này: fanpage FTU Exchange, group FTU Exchange Alumni (mấy ac rất supportive nhen), group SEED Scholarship Community (cho những bạn quan tâm đến hb SEED)
Tại sao mình chọn đi trao đổi?
1. Đam mê xê dịch
Mình đã nói kĩ ở post này rồi, nếu muốn bạn có thể đọc nhé.
2. Là du học phiên bản dễ thở, và tính cạnh tranh không khốc liệt... lắm
Bình thường du học bậc đại học sẽ kéo dài 4 năm, sau đại học là 2 năm. Nhưng nếu bạn không muốn đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc ở nước ngoài thì mình nghĩ đi trao đổi là một sự lựa chọn khá ổn đó, dễ thở và dễ xoay sở hơn.
Nếu muốn tự chủ về tài chính thì bạn chủ động nộp hồ sơ duyệt thêm 1 vòng nữa cho học bổng (cạnh tranh với các bạn sinh viên trường khác, với mình thì cạnh tranh với các bạn khu vực Đông Nam Á).
Nhưng nhìn chung thì mình thấy mọi việc đều có thể xoay sở được nếu bạn chịu khó tập trung, có sự chuẩn bị và chiến lược khôn ngoan lúc đầu.
3. Bàn đạp cho việc học và việc làm sau này
Tô điểm CV thì chắc khỏi phải nói nhỉ. Nhưng mình thấy cái lợi siêu to là có cơ hội được học những cái tốt nhất của nước bạn. Việc tiếp cận với môi trường đa văn hoá cũng buộc bản thân phải thích nghi, khiến mình độc lập, mạnh mẽ hơn trong tư duy và hành động. Và chính sự thay đổi trong cách suy nghĩ là báu vật mà mình có thể lấy ra dùng bất cứ lúc nào, để phục vụ mục đích học tập suốt đời (lifelong learning) hay để bền bỉ tiến xa hơn trong công việc đều rất tốt.
7749 rào cản khi làm hồ sơ trao đổi.
Mình sẽ chia sẻ trải nghiệm ở FTU thui, còn mấy trường khác mình khum biết nên không dám mạnh miệng hic. Đây là danh sách một vài thứ cần đánh đổi (chưa đầy đủ), có vẻ bạn sẽ cần để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định đi hay ở nhé.
- Không đăng ký được môn học để chuyển điểm về, dẫn đến việc không được học chung lớp với bạn cũ, lúc về hơi sợ khi teamwork với bạn mới, và khả năng cao là ra trường trễ hạn (vấn đề này nhiều bạn hơi ái ngại nè)
- Không được bảo lưu, vẫn được xem là một kỳ học trên trường bình thường
- Điểm chuyển về có sự chênh lệch giữa các nước. Nhiều khi học hết mình nhưng ra điểm hết hồn
- Thời gian đầu tư vào rất nhiều, sương sương như tìm hiểu về đất nước, trường học, thủ tục trao đổi như chuyển đổi môn tương đương, giấy tờ visa. Nếu có nộp học bổng thì thêm vài bài luận nữa
- Tiền bạc đầu tư vào cũng kha khá đó. Ai nói được học bổng thì mọi thứ sẽ miễn phí hết đâu. Phải chuẩn bị tương đối tiền mặt để nộp nhiều loại phí, như phí trao đổi, mentor, visa + lăn tay, tiền cọc nhà, vé máy bay, sắm đồ trước khi đi,... Nếu biết cân đối thì có thể sẽ dùng học bổng bù trừ qua lại, còn nếu không thể thì có thể xem như một khoảng đầu tư xứng đáng đó.
Photo by Wenhao Ji on Unsplash |